Hành Trình Đến Với Nghệ Thuật
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát vốn có truyền thống đam mê mỹ thuật. Tiếp nối truyền thống gia đình, sau khi học hết phổ thông, Nguyễn Tấn Phát một lòng theo đuổi hội họa chuyên nghiệp bằng việc thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành hội hoạ sơn mài. Cùng thời gian này, anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi xin làm việc cho một số cửa hàng thủ công, mỹ nghệ có tiếng ở phố cổ Hà Nội, để học hỏi sâu hơn về sơn mài.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn chịu khó đi nhiều nơi, thậm chí tìm về tận làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường tín, Hà Nội) xin học nghề từ các nghệ nhân kỳ cựu, để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm. Đến nay, hoạ sỹ Nguyễn Tấn Phát đã theo đuổi con đường làm nghệ thuật sơn mài được 21 năm.
Nghệ sĩ Nguyễn Tấn Phát không vẽ những gì anh nhìn thấy, mà vẽ những điều anh cảm thấy. Những chân dung trong tranh Nguyễn Tấn Phát vì vậy mà có chiều sâu nội tâm, có sự ám ảnh đối với người xem, tràn đầy cảm xúc và chứa đựng khá nhiều triết luận.
Giải Thưởng Nghệ Thuật
2010: Giải khuyến khích được trao tặng bởi Hội Mỹ thuật Việt Nam
2012: Giải C được trao tặng bởi Hội Mỹ thuật Việt Nam
2014: Giải nhất Cuộc thi Thiết kế đồ Thủ Công Mỹ Nghệ tại Hà Nội
2018: Được UBND Thành Phố Hà Nội phong tăng danh hiệu Nghệ Nhân Hà Nội
Triển Lãm Nghệ Thuật
2010: Triển lãm Nghệ Thuật Toàn Quốc
2011: Triển lãm Nghệ Thuật "Ký Ức Cầu Long Biên"
2015: Triển lãm Nghệ Thuật Dogma
“Sơn mài là một trong các chất liệu hội họa thuần Việt nhất. Nó là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài. Ngoài chất sơn trên bề mặt, sơn mài còn phải cần chất keo dùng công thức có từ nhiều đời xưa. Cũng vì yêu thích sự thuần Việt, nên những chất liệu đặc trưng như vỏ trứng, vỏ dừa, đá ong, gỗ mít… đều được tôi tận dụng như một nét đặc trưng để đưa vào các sản phẩm thủ công của mình. Chất liệu càng chọn lọc, càng kỳ công trong sáng tác, thì tác phẩm ra đời càng có giá trị cao. Bên cạnh đó, tôi còn đưa vào các tác phẩm của mình những câu chuyện về văn hóa Việt Nam, không đơn giản chỉ là một sản phẩm chứa đựng tinh hoa thẩm mỹ mà còn xen lẫn hồn cốt đất Việt trên từng sản phẩm”. - Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ